Lãnh đạo Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cho biết đã trao đổi với Facebook và sẽ ký công văn yêu cầu Facebook xử lý, sửa lỗi vào ngày mai 2/7
Yêu cầu Facebook xử lý việc đưa sai lệch bản đồ HS, TS
"Chúng tôi đã trao đổi với Facebook về sự việc này. Họ cho biết đã nắm sự việc, đang nghiên cứu tìm hướng giải quyết. Ngày mai 2/7, chúng tôi sẽ ký công văn yêu cầu Facebook xử lý, sửa lại lỗi viết sai về Hoàng Sa, Trường Sa trên bản đồ của Facebook", ông Lê Quang Tự Do, Cục phó Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin Truyền thông, trả lời Zing.vn về việc một số bản đồ Facebook hiển thị Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam thuộc lãnh thổ Trung Quốc.
Trước đó, một số nhóm marketing tại Việt Nam xôn xao thông tin khi chọn quảng cáo theo lãnh thổ trên Facebook, 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa bị gán thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Trong khi đó, khi chọn quảng cáo tại Việt Nam, 2 quần đảo này không hiện ra.
Ngoài ra, phần bản đồ hiển thị mật độ người dùng livestream cũng hiển thị dòng chữ "Sansha" (Tam Sa), cách Trung Quốc gọi Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam, ở vị trí 2 quần đảo.
Bà Lê Diệp Kiều Trang, Giám đốc Facebook Việt Nam chưa có câu trả lời cho sự việc này.
Nói với Zing.vn, Thạc sĩ Hoàng Việt, giảng viên Đại học Luật TP.HCM cho rằng Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa, vì vậy Facebook không thể dùng tên Tam Sa để gọi vị trí này.
"Còn về Trường Sa, quần đảo này vừa được tòa án thế giới nhận định là những bãi nổi/chìm. Vì vậy việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền tại đây không được công nhận", ông Việt nói.
Năm 2015, Google cũng từng gây tranh cãi khi sử dụng tên gọi Tam Sa trên bản đồ Google Maps.
Sau đó, Google đã thực hiện sửa đổi, đánh dấu toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bằng tên quốc tế là Paracel. Việc tìm kiếm "Tam Sa" (Sansha) theo cách gọi của Trung Quốc đã không còn hiệu lực.
Cái gọi là "thành phố Tam Sa" được Trung Quốc dựng lên từ tháng 7/2012 nhằm thực hiện kế hoạch kiểm soát Biển Đông trong đó có quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam và bãi cạn Scarborough tranh chấp với Philippines.