Chiêu trò lừa đảo mới tinh vi mọi người nên cẩn thận phòng tránh để tránh mất tiền oan nhé !
Cảnh bảo lừa đảo không dùng Link và OTP
Tôi – một người từng làm ngân hàng, từng rất tự tin với suy nghĩ “đứa nào mà lừa được mình chắc là… chưa sinh ra” – thì sáng nay vừa bay gần 15 triệu chỉ trong chưa đầy 1 phút.
Và tôi thề, nếu lúc đó không nhanh tay – nhanh não – thì giờ này có lẽ tôi đã “trắng tài khoản”. Mà nếu tình huống này rơi vào bố mẹ chúng ta – những người vẫn còn chưa quen dùng app ngân hàng – thì số tiền bốc hơi sạch, không còn một đồng!
Hơi dài, mn chịu khó đọc, tránh bị lừa như tôi là được
Sáng nay, tôi chuyển khoản nhầm cho bạn tôi 12 triệu 705 nghìn – vì bạn gõ sai số tài khoản. Tôi thì cũng vô tư, thấy bảng chuyển tiền là “chuyển thôi chứ nghĩ ngợi gì nhiều”. Đến khi giao dịch xong, nhìn tên người thụ hưởng mới phát hiện… ôi thôi chết mẹ rồi, sai người rồi.
Không chần chừ, tôi gọi ngay tổng đài cả ACB và Techcombank để thông báo tra soát – yêu cầu phía ngân hàng hỗ trợ giúp tôi lấy lại tiền.
Khoảng 15 phút sau, có 1 số điện thoại lạ gọi đến. Người gọi xưng là nhân viên ACB – nói giọng miền Nam, nghe cực kỳ chuyên nghiệp, đúng kiểu người làm dịch vụ ngân hàng.
Bạn này xác nhận: đã nhận được yêu cầu tra soát từ Techcombank gửi sang, phía người nhận ck sáng nay đã đồng ý hoàn lại tiền cho tôi. Và kiểm tra lại các thông tin của tôi cũng như các giao dịch tôi thực hiện, kèm cả số giao dịch (giờ nghĩ lại thì tôi chắc chắn đầu gọi báo truy soát tại techcombank lộ thông tin vì tôi chỉ cung cấp điều này tại đầu ngân hàng đi)
Nghe đến đây, tôi bắt đầu phân tích trong đầu:
• Thông tin quá trùng khớp: họ tên, số tài khoản, số điện thoại, số căn cước, ngày tháng năm sinh – chính xác từng dấu phẩy.
• Giọng nói miền Nam – ok, hợp lý vì ACB trụ sở TP.HCM.
• Nội dung đúng quy trình tra soát liên ngân hàng.
Tôi bắt đầu tin.
Tôi đã quá ngây thơ?
Hay hệ thống bảo mật ngân hàng đang có vấn đề? Khi mà mọi thông tin tôi chỉ mới trao đổi qua tổng đài, giờ lại lọt vào tay một người lạ quá dễ dàng?
Bạn “nhân viên ngân hàng giả” tiếp tục hướng dẫn:
• “Ngân hàng sẽ hoàn tiền cho chị qua hệ thống của Techcombank.”
• “Chị sẽ nhận được một thông báo hoàn tiền.”
• “Đặc biệt, ngân hàng không bao giờ yêu cầu bấm vào đường link, hay cung cấp mã OTP.”
• “Chỉ cần bấm xác nhận là tiền sẽ về.”
Nghe đến đây, tôi lại càng tin hơn. Vì nó nói đúng những gì tôi từng được nghe về các chiêu trò lừa đảo.
Mà người này lại dặn đi dặn lại: KHÔNG BẤM LINK – KHÔNG CUNG CẤP MÃ.
Nghe y chang mấy thông báo từ chính ngân hàng!
Nhưng vì app Techcombank cài trên một máy, số điện thoại xác nhận lại dùng máy khác, nên cái “thông báo hoàn tiền” mà bạn này nói không xuất hiện được.
Bọn lừa đảo phát hiện ngay và chuyển chiến thuật cực nhanh.
“Em thấy chị còn có tài khoản Vietcombank, ngân hàng có thể hoàn tiền qua đó được không ạ?”
Tôi không hiểu tại sao giây phút đó mình không tỉnh ra, dù cũng có suy nghĩ nhưng lại chỉ dừng ở NV NH ACB nhiệt tình thật.
Nó đọc đúng số tài khoản Vietcombank của tôi.
(Tận bây giờ tôi mới thật sự ngộ ra một điều kinh hoàng: Khi thông tin cá nhân bị lộ, bọn chúng có thể lần ra toàn bộ tài khoản ngân hàng bạn đang dùng).
Sau khi tôi đồng ý và truy cập vào app Vietcombank thì Thông báo giao dịch tiền từ app Vietcombank lập tức hiện trên màn hình điện thoại.
Tôi bắt đầu hơi nghi ngờ – không ấn vào ngay, giả vờ “nó biến mất rồi em ơi” để có thời gian kiểm tra lại.
Tôi thoát ra, vào app VCB – mục Thông báo – và đúng là thấy có thông báo ở đó thật!
Tôi nghĩ: app này tôi dùng 10 năm rồi, hệ thống quá quen thuộc – chắc là thông báo thật.
Cẩn thận thêm 1 bước, tôi bấm vào nội dung.
Thấy có dòng yêu cầu xác nhận – tôi vẫn còn lăn tăn ( ở đây, nó rất tinh vi, không hiển thị là giao dịch bạn đang chuyển khoản đi hay đang nhận về mà chỉ hiển thị là thông báo giao dịch tiền nên tôi thắc mắc thì "nv ngân hàng giả" nói chị ấn xác nhận nó mới hiển thị ra giao dịch nhận tiền cho chị.)
Tôi hỏi:
– “Ủa em ơi, sao lúc chị ck đi là 12 triệu 705, mà cái giao dịch hoàn lại toàn hơn 9 triệu vậy?”
Bạn này vẫn “dịch vụ” lắm:
– “Dạ chị cứ yên tâm, đây là bước xác nhận ban đầu, còn phần còn lại ngân hàng hoàn tiếp sau.”
Tôi lại bị tin.
Ấn xác nhận.
Ngay lập tức, tài khoản bị trừ hơn 9 triệu.
Tôi chỉ kịp hét lên:
– “Em lừa chị à???”
Và sau đó tôi chỉ kịp nghe đầu dây bên kia nói gì đó kiểu:
– “Dạ không chị, chắc hệ thống nhầm đó chị, giao dịch này là cộng chứ không trừ đâu ạ.. chị làm tiếp như này ạ....”
Và đúng lúc này, toàn bộ dây thần kinh não tôi tỉnh lại, thậm chí tỉnh đến mức muốn… lấy chổi quét sạch cái sự ngu vừa rồi.
Tôi bắt đầu hành động: phải chuyển số tiền còn lại sang tài khoản khác để không bị cuỗm tiếp. Cùng lúc đó, bên kia vẫn tiếp tục thực hiện lệnh chuyển tiền 1 triệu, 1 triệu, 1 triệu…
Tay run như bị cắm điện, tôi làm lệnh chuyển 58 triệu đi – báo lỗi “không đủ số dư”.
Nhanh trí sửa thành 56 triệu – thành công.
Lúc báo về: tài khoản còn hơn 400 nghìn. (Đấy, nghĩa là 3 giây mà nó kịp ck thêm 2tr nữa đi rồi)
Tính ra chỉ cần tôi chậm 3 giây, thì nốt 56 triệu kia cũng theo gió mà đi rồi!
Vậy nên, rút kinh nghiệm xương máu – xin chia sẻ 5 điều cực kỳ quan trọng:
1. Thông tin của bạn không còn là bí mật. Bọn lừa đảo nắm rõ từng số tài khoản, CMND, ngày sinh như lòng bàn tay.
2. App ngân hàng có thể bị khai thác kẽ hở, như mục thông báo. Không có gì là an toàn tuyệt đối.
3. Không một nhân viên ngân hàng nào gọi bạn và thúc giục xử lý nhanh “cho tiện” cả. Đừng tin những lời ngọt ngào. Càng nhiệt tình – càng nên nghi ngờ.
4. Khi có lỗi chuyển tiền, hãy tra soát – nhưng đừng tin ai gọi lại trừ khi là số chính thức từ tổng đài.
5. Bố mẹ – ông bà – người lớn tuổi không nên để tiền nhiều trong tài khoản hoặc nên khoá tính năng chuyển khoản.
Hình ảnh liên quan




Nguồn: sưu tầm cảnh báo